Facebook

Văn hóa Chăm tại làng điêu khắc đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn

làng điêu khắc đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn là một cụm núi đá vôi thấp nằm giữa vùng cát trắng, có chiều dài khoảng 2 km, rộng 800 m thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 7 km về phía đông nam. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích, di vật quan trọng, liên quan đến đời sống tín ngưỡng của cư dân Champa trong những thế kỷ trước.

Một góc tượng champa tại là đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn

 

I. Đôi nét về người Chăm

Khu vực ven biển miền Trung Việt Nam từ Quảng Bình đến Bình Thuận và một phần Tây Nguyên từ lâu đã là địa bàn sinh tụ của các cư dân thuộc ngữ hệ Mã Lai – Đa Đảo, trong đó người Chăm là đông nhất. Năm 179 trước Công nguyên (CN), Triệu Đà từ phương Bắc cất quân xâm lược phương Nam, tiến chiếm cả vùng đất này. Năm 111 trước CN, nhà Hán tiếp tục cai trị vùng đất này, đặt thành quận Nhật Nam. Đến năm 192 sau CN, Khu Liên lãnh đạo nhân dân huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam đánh đuổi quân Hán ra khỏi bờ cõi, lập nên một quốc gia độc lập, sử Trung Quốc gọi tên nước này là Lin Yi (Lâm Ấp). Đến thế kỷ VII, vua Sambhuvarman cai trị vương quốc này, đặt tên nước là Champa, kinh đô đóng ở Sinhapura (nay là Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam). Tuy nhiên, người Trung Quốc lại gọi vương quốc Champa là Hoàn Vương (758 – 859), sau đó lại đổi gọi là Chiêm Thành.

Dân tộc Chăm là tên gọi thông dụng đối với cư dân của vương quốc Champa. Cộng đồng dân tộc Chăm hình thành từ hai thị tộc: thị tộc Cau ở phương Nam và thị tộc Dừa ở phương Bắc. Về không gian sinh tồn, vương quốc Champa có 5 vùng: Amaravati (tương ứng với vùng đất từ Quảng Bình đến Huế hiện nay); Indrapura (Quảng Nam – Đà Nẵng), Vijaya với kinh đô là thành Chà Bàn/Đồ Bàn (Quy Nhơn – Bình Định), Kauthara (Khánh Hòa), Pandurangar (Bình Thuận – Đồng Nai).

Đầu thế kỷ XIV, khi công chúa Huyền Trân của Đại Việt được gả cho Chế Mân, thì sính lễ của Champa trao lại cho Đại Việt là hai châu Ô – Lý.1 Năm 1307, nhà Trần đổi hai châu Ô – Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông chia Champa làm ba nước nhỏ. Sau đó, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong dần dần kiểm soát phần đất đai còn lại của Champa, năm 1693 thì kiểm soát toàn bộ miền đất Phan Rang – Bình Thuận. Tuy nhiên, người Chăm vẫn được chúa Nguyễn và nhà Nguyễn phong vương. Đến năm 1822, khi vị vua Chăm cuối cùng là Po Chơn Chan bỏ sang Campuchia thì vương triều Champa thật sự chấm dứt.

Trong nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, người Chăm đã xây dựng cho mình một nền văn minh đặc sắc, chịu nhiều ảnh hưởng của văn minh Ấn Ðộ. Họ đã để lại dọc mảnh đất miền Trung, Tây Nguyên những dấu ấn về văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, mà Ngũ Hành Sơn là một trong những nơi còn lưu giữ nhiều di tích, di vật có liên quan đến đời sống, tôn giáo tín ngưỡng của họ.

II. Văn hóa Chăm tại Khu Di tích – Danh thắng Ngũ Hành Sơn

làng điêu khắc đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn còn có tên: Non Nước; Ngũ Uẩn Sơn (núi 5 chòm); Ngũ Chỉ Sơn (5 ngón tay); Phổ Đà Sơn; Tam Thai; Montagne de Singes (núi Khỉ); Rocher de Faifo (núi Faifo); Montagne de Marbre (núi Cẩm Thạch); Montagne de Touran (núi Đà Nẵng). Năm 1837, trong một chuyến viếng thăm Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng đã dựa theo nguyên lý Ngũ Hành của Khổng giáo mà đặt tên nhóm núi này là Ngũ Hành Sơn, gồm các ngọn: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn).

Theo các tài liệu về địa chất học, người ta cho rằng, các hòn núi trong làng điêu khắc đá Ngũ Hành Sơn có nguồn gốc phiến nham thuộc thời kỳ nhị điệp kỷ, cách ngày nay khoảng 25 triệu năm. Đá ở đây đều là loại đá vôi thuộc về cẩm thạch biến chất, thường có màu hồng, đôi khi có màu đỏ hoặc màu đen. Ban đầu Ngũ Hành Sơn là những hòn đảo nằm trên biển đông, trải qua hàng triệu năm, gió và nước đã xâm thực tạo thành những hang động và hình thù kỳ dị, làm cho núi có những sắc thái đặc thù. Do quá trình biển lùi, nhóm đảo này được nối liền với lục địa và trở thành 6 ngọn núi như ngày nay.

Dấu tích của con người ở làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn có từ rất sớm, thể hiện qua các di chỉ khảo cổ dưới chân ngọn Hỏa Sơn. Đồng thời, Ngũ Hành Sơn cũng là nơi mà cư dân Champa xưa thờ cúng thần linh của mình trong nhiều thế kỷ, còn lưu lại đến ngày nay qua hình thức tín ngưỡng thờ linga – yoni, những tượng thần được chạm trổ công phu trên các bệ đá ở động Tàng Chơn, trong động Huyền Không.

1. Hiện vật khảo cổ học

Tháng 3/2000, Khoa Lịch sử của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Thành phố Đà Nẵng, lập một đoàn khảo sát, do cố GS. Trần Quốc Vượng làm trưởng đoàn, tiến hành khảo sát các khu vực xung quanh trung tâm thành phố Đà Nẵng, trong đó có Ngũ Hành Sơn. Tại khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, các nhà khảo cổ tiến hành đào thám sát ở phía nam ngọn Thổ Sơn. Tháng 11 và tháng 2/2000, đoàn tiến hành mở hai hố khai quật cách chân ngọn Thổ Sơn hơn 100m về phía đông nam, với tổng diện tích 72,5m2.

Tại hai hố khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều hiện vật có xuất xứ từ Trung Quốc và các nước Hồi giáo ở Trung Đông… Đặc biệt, họ đã tìm thấy rất nhiều mảnh gốm và đồ gốm Chăm, có cùng chất liệu và niên đại với những hiện vật gốm Chăm được khai quật ở di chỉ Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) và di chỉ Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Gốm ở di chỉ Nam Thổ Sơn gồm 3 nhóm chất liệu chính của gốm Chăm là gốm mịn, gốm thô và và gốm hơi thô, với nhiều loại hình như:

a. Nồi: Có 6.603 tiêu bản nồi, nhưng hầu hết bị vỡ, được làm từ chất liệu thô có pha nhiều cát và bã thực vật, được nung ở nhiệt độ cao nên xương gốm có màu đen. Qua những tiêu bản nồi gốm, các nhà khảo cổ nhận định các hiện vật này được sản xuất bằng bàn xoay nên hình dáng cân đối, độ dày đều, có những vết xước chìm chạy quanh miệng hoặc vai. Hoa văn trang trí chủ yếu là văn thừng, khắc vạch… Căn cứ vào kiểu miệng, các nhà khảo cổ đã chia ra nhiều kiểu nồi, như:

– Miệng nồi loe xiên, miệng có gờ nổi chạy quanh vành miệng, vai xiên thân dẹp;

– Miệng nồi loe xiên, mép miệng thẳng, thân nồi hình cầu tròn gắn liền với vành cổ, nồi không có vai;

– Miệng nồi loe ngang, mép miệng vuốt gần nhọn, thân nồi gắn liền với cổ;

– Miệng nồi loe ngang, vành miệng dày có đường gờ nổi phía trên, vai xuôi hoặc không có vai;

– Miệng nồi loe ngang, vành miệng hẹp, mỏng, miệng nồi cong hình máng, cổ thắt thân khum dần xuống đáy.

b. Kendy: Có 3.750 tiêu bản kendy, nhưng đều bị vỡ nát, được làm từ chất liệu sét mịn và hơi thô. Người thợ gốm đã kết hợp giữa kỹ thuật bàn xoay (tạo bầu, vò) với kỹ thuật nặn tay (tạo vò, gắn tai), miết láng… Dựa vào kiểu dáng, các nhà khảo cổ phân loại hình này thành nhiều dạng kendy:

– Miệng đứng, méo miệng loe ra ngoài, cổ có đường gờ nổi tạo thành hình sóng lượn;

– Miệng đứng, méo miệng loe ra ngoài, cổ đứng nhưng phẳng, không có gờ tạo sóng;

– Miệng loe ra ngoài, cổ ngắn hoặc không có cổ thân phình hình cầu;

– Miệng loe ngang, mép miệng có đường chỉ chìm chạy quanh cổ vò ngắn và xuống thân. Các chân đế của vò thấp, đáy có đường kính trung bình 9 – 12cm.

c. Quả bồng: Có 1 tiêu bản, loại quả bồng chân đế loe rộng khoảng 8cm, cao 3,7cm, giữa chân đế có lỗ tròn nhỏ. Đây là loại gốm thô có màu vàng nhạt, xương gốm xốp, không trang trí hoa văn.

d. Chén nhỏ: Có 1 tiêu bản, đường kính miệng 3,2cm, cao 3,5cm, đường kính đáy 4,2cm, được nặn từ loại gốm thô pha nhiều cát có màu vàng nhạt.

e. Quai gốm: Có 1 tiêu bản làm từ gốm hơi thô màu đỏ, dáng cong, tiết diện tròn.

f. Nắp đậy: Có 2 tiêu bản nhưng đều bị vỡ vành miệng, chỉ còn lại phần núm cầm. Gốm có màu đỏ nhạt, xương gốm mịn.

g. Lọ hoa: Có 1 tiêu bản nhưng đã bị vỡ phần miệng, được làm bằng chất liệu hơi thô, không trang trí hoa văn.

Ngoài những hiện vật gốm trên, các nhà khảo cổ còn tìm thấy ở di chỉ Nam Thổ Sơn một số lõi gạch nhỏ đã vỡ và bị bào mòn theo thời gian và 16 tiêu bản mảnh ngói. Ngoài ra, còn có 334 tiêu bản sành thuộc loại hình vò đựng nhưng đều bị vỡ nát, chỉ có 1 tiêu bản còn khá nguyên vẹn cả miệng, thân, đáy. Các nhà khảo cổ nhận định, những vò sành Chăm phát hiện trong hai hố khai quật ở Nam Thổ Sơn đều được sản xuất bằng bàn xoay, chất liệu mịn hoặc hơi thô, xương gốm màu xám tro hoặc xám đen, độ nung cao nên xương gốm chắc, mặt ngoài có màu xám. Vò sành Chăm không phủ men, không trang trí hoa văn.2

Thông qua cuộc khai quật khảo cổ học tại di chỉ Nam Thổ Sơn, đã phần nào chứng tỏ vùng đất dưới chân núi Ngũ Hành từng là khu vực sinh tụ của cư dân Champa từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX.3

2. Hiện vật Chăm trong động Tàng Chơn

Động Tàng Chơn nằm trên ngọn Thủy Sơn, phía sau chùa Linh Ứng. Lối vào động chính có một con đường dẫn được lót bằng gạch. Động chính giống như một thung lũng nhỏ có chiều dài 10m, ngang khoảng 7m, rất thoáng mát nhờ thông lên trời qua cửa Thiên Long Cốc, bên dưới được lót gạch Chăm. Từ nơi đây đi về phía tây có hai cửa hang gọi là: Vân Nguyệt Cốc (hang của mây và trăng), Thiên Long Cốc (hang của rồng và trời), bên trong có miếu thờ Thái Thượng Lão Quân, Bát Bộ Kim Cương. Ngoài ra còn có các động nhỏ: động Tam Thanh (động của ba vị bất tử: Thượng Thanh, Thái Thanh và Ngọc Thanh), nhưng tượng của ba vị này nay đã được thay bằng pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn bằng xi măng. Trong góc bên trái có một đường cấp dẫn đến một nền đá bằng phẳng, gió mát lạnh mà người ta gọi là hang Gió hay là hang Thần Thượng, tức là hang của các thần bề trên. Góc bên phải là hang Dơi hoặc hang Ráy, có ngách thông lên đỉnh núi, trong hang có nhiều dơi trú ngụ. Đặc biệt, tại động Tàng Chơn có hang thờ thần của người Chăm, lối đi vào hang hẹp và tối âm u, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng đá có liên quan đến đời sống tôn giáo tín ngưỡng của họ.

Người Chăm chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Ðộ. Tôn giáo chính của họ là Ấn Ðộ giáo, thần Indra là “thần của các thần”, được tôn thờ ở khắp nơi. Bên cạnh thần Indra, người ta còn thờ ba vị thần của Ấn Ðộ giáo là Brahma, Vishnu và Siva. Tuy nhiên, khi Ấn Độ giáo du nhập và vương quốc Champa, người Chăm lại đặt thần Siva lên trên hết, đồng thời thần Siva cũng được hòa với tín ngưỡng cổ truyền của họ. Trên các bi ký khắc chữ Phạn (Sanskrit) tại thánh địa Mỹ Sơn, các vua Champa đã tôn thần Siva là “chúa tể của muôn loài”, “là cội rễ của nước Champa”. Trong 128 bi ký quan trọng của Champa mà hiện nay được biết, thì có đến 92 bia thuộc tín ngưỡng Siva giáo. Các quốc vương của nước Champa xưa thường tự đồng nhất mình với thần Siva. Thậm chí cả nữ thần Po Inư Nagar cũng được thờ như một Sakti (âm lực) của thần Siva. Như vậy, thần Siva đã ảnh hưởng khá sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Chăm và chi phối toàn bộ đời sống tâm linh của họ.

Theo thần thoại nguyên thủy, hình thức khởi đầu của thần Siva là cột lửa hình linga (dương vật). Hình tượng Siva được tôn thờ với nhiều hình thức khác nhau: dưới dạng nhân hóa (hình người) và dưới dạng biểu tượng linga hoặc mukhalinga (siêu nhân). Thần Siva thường được người Chăm thờ dưới hình thức ngẫu tượng sinh thực khí nam giới. Người ta quan niệm rằng, thờ linga (bộ phận sinh dục tượng trưng cho sức mạnh của phái nam, biểu tượng của khả năng tái tạo) tượng trưng cho thần Siva (nam tính) hiện thân qua nữ thần Uroja, còn được gọi là thần Núi, biểu hiện đặc tính dương. Hình tượng yoni (cơ quan sinh sản của phái nữ, biểu tượng của khả năng dưỡng dục) tượng trưng cho nữ thần Bhagavati (nữ tính) hiện thân qua nữ thần Visitrasaga là thần Biển, biểu hiện đặc tính âm. Trong vạn vật, âm và dương là hai mặt đối lập, nhưng khi hai thuộc tính này tương giao với nhau sẽ tạo thành vạn vật, vạn vật sẽ sinh sôi, nảy nở. Thần Siva được mệnh danh là Thần Hủy diệt. Theo quan điểm “thần luận”, sự hủy diệt của Siva là phá hủy cái cũ để sáng tạo cái mới. Do vậy, người ta coi thần Siva như là Thần Sáng tạo, và có chức năng coi đầu Sinh và đầu Tử. Trong bài minh khắc năm 657 của vua Prakasadharma tại thánh địa Mỹ Sơn nói về thần Siva: “Từ Ngài mà thế giới động và tĩnh này sinh ra, như những tia sáng từ mặt trời tỏa ra, và rồi lại hòa tan vào trong Ngài! Sự sáng tạo vĩ đại này diệu kỳ làm sao”.4

Tại động Tàng Chơn, linga-yoni bằng đá được thờ rất trang trọng trong hang tối âm u. Linga ở đây có hai phần, phần trên là khối trụ lục giác nhỏ, phần dưới cũng là khối trụ lục giác nhưng lớn và dài hơn. Còn yoni là khối tròn, xung quanh trang trí hình vú phụ nữ căng tròn đầy sức sống, tượng trưng cho sự trù phú của vương quốc. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ linga – yoni của người Chăm gắn bó chặt chẽ với tục thờ Đá trong hình thức thờ cúng các vật thiêng. Về biểu hiện này, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã nêu ra hiện tượng thờ linga của Ấn giáo là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới: “Những tảng đá dựng đứng, ở dạng tượng dương vật (linga) của Ấn Độ hay ở dạng tượng đài đá (menhir) ở miền Bretagne, là biểu tượng phổ biến”.5

Như vậy, tín ngưỡng thờ linga – yoni tại Ngũ Hành Sơn là một nét văn hóa độc đáo của cư dân Chăm xưa. Nơi đây, thần Siva được tôn thờ là đấng sáng tạo và hủy diệt. Tại đây, người ta đặt hai bệ đá ở hai bên lối vào nơi thờ linga – yoni có trang trí hình hai Hộ Pháp của người Chăm như nhà khảo cổ học H. Parmentier miêu tả: Đó là “một loại lan can hàng loạt bằng đá chạm, gồm có hai nhóm đá bày ra một bậc thang chật hẹpHai nhóm đá phía dưới có một kiến trúc trang trí làm thành một bệ nền có đường gờ, trước chân bệ cắt ra một phù điêu hình cung nhọn hình ngọn lửa thường. Hai tảng đá bên trên, mỗi tảng thể hiện, trước một trang trí bằng những đường thẳng, một loại khám thờ hình vuông có hoa hòe. Hai cái khám này thờ hai chiến binh hay hai Hộ Pháp gần như là phù điêu vậy; hai tượng hầu như giống nhau; tượng bên trái thô nhám và rêu phong gặm nhấm, tượng bên phải trái lại tình trạng rất tốt. Tượng đứng trong tư thế chiến đấu; tay trái vung quả chùy, tay phải cầm thanh gươm hình như còn tra trong vỏ, có thể gươm này được đeo ở hông. Hình tượng này hoàn toàn rập khuôn; bộ ngực như thể đàn bà, phục sức và quấn khăn khá rắc rối; mũ hình chóp, vật trang sức là những khuyên tai lớn và một cái kiềng nơi cổ”.6

Ngoài ra, trong lúc san lại nền hang, các vị sư chùa Linh Ứng đã phát hiện một bệ đá được trang trí cả 3 mặt. Mặt chính trang trí hình thần Indra (Thần Sấm sét, Thần Chiến tranh hay Thần Hộ mệnh, gọi chung là Dikapala) trong tư thế ngồi, cởi trần, mặc dhoti, đầu đội mũ, chân trái xếp bằng, chân phải co lên trước ngực, tay trái đặt lên đầu gối chân trái, khủy tay phải đặt lên đầu gối chân phải, đang ngồi trên mình voi, xung quanh thần có những đám mây bao phủ như hình ngọn lửa. Hai bên thần có hai vũ nữ Apsara đang múa nhưng quay lưng lại với thần. Hai mặt bên là hình hai vũ nữ Apsara, cũng trong tư thế múa. Bên dưới mỗi vũ nữ là một con sư tử đang ở tư thế ngồi. Ở mặt trước của bệ đá là hai con sư tử ngồi ở tư thế đối nhau nhưng mặt lại quay về sau. Còn hai con ở hai mặt bên thì mặt hướng về phía trước. Sư tử, được người Chăm gọi là Rimon, là hình tượng phổ biến trong điêu khắc Champa, đây là con vật không có ở vương quốc Champa nhưng hình ảnh của nó được các vua chúa Champa sử dụng như biểu hiện của vương quyền. Theo quan niệm của họ, sư tử biểu tượng cho quý tộc, cho sức mạnh vì theo truyền thuyết, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu và đã giết được quỷ Hiraya Kapipu. Nhìn chung, bệ thờ này được trang trí độc đáo, thể hiện rõ những chi tiết trên thân tượng, là bệ thờ đẹp nhất được phát hiện ở Ngũ Hành Sơn cho đến nay.

3. Hiện vật Chăm trong động Huyền Không:

Động Huyền Không cũng nằm trên ngọn Thủy Sơn. Từ cổng chùa Tam Thai, rẽ trái theo đường dẫn đến động Hoa Nghiêm, phía bên trái của động Hoa Nghiêm có một lối đi xuống 15 bậc cấp, đó là động Huyền Không. Động này rộng và cao, trên trần có một lỗ thông thoáng khá lớn, ánh sáng theo đó tràn vào làm cho động thêm lung linh huyền ảo, vách động lồi lõm, thạch nhũ chảy dài xuống tạo thành nhiều hình thù lạ mắt… Hai bên bậc cấp lối đi xuống có có tượng Tứ Hộ pháp. Trên cao chính giữa là tượng Phật Thích Ca (trước đây là tượng Ngọc Hoàng); bên dưới là bàn thờ Địa Tạng; bên phải có miếu thờ Lôi Phi; bên trái có miếu thờ Ngọc phi. Hai bên vách động còn thờ tượng Phật, Quan Công, Tam Đa, Thập Điện Minh Vương…

Động Huyền Không là động lớn và đẹp nhất trong các động ở Ngũ Hành Sơn. Nơi đây còn lưu lại vết tích và di vật về tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Champa xưa. Thể hiện qua hình thức thờ nữ thần Po Inư Nagar và bệ đá được chạm trổ công phu gần lối xuống động.

Tượng của nữ thần Po Inư Nagar được tôn trí trong một cái miễu, nguyên là công trình của một góc núi đá cẩm thạch, bên trong thờ tượng của bà được tráng một lớp sơn với nhiều màu sắc, những chi tiết chạm khắc rất mờ nhạt. Hai tai trái của bà to và trĩu nặng xuống, tóc dường như dựng đứng lên, thế ngồi theo phong cách Ấn Độ. Đó là “vị thần hảo tâm có nhiều cảm ứng hiển hiện mà những sự phán xét có lẽ được chấp nhận nhiều hơn, và nhất là cự tuyệt những những lời thề giả dối, vị lương thần có nhiều biểu hiện quyền năng. Bà ban ân huệ và hiển linh. Dân chúng thường gọi bà là Bà Chúa Ngọc”.7

Truyền thuyết của người Chăm cho rằng, nữ thần Po Inư Nagar là do bọt nước biển và ánh mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm, nước biển dâng cao đưa bà vào bến sông Yjatran.8 Sấm trời và gió hương liền nổi dậy báo cho muôn loài biết tin bà giáng thế. Tức thì, nước trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống đón mừng bà, và núi cũng hạ mình thấp xuống để đón rước bà. Khi bà bước lên bờ, thì cây cong xuống để tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến chầu hai bên đường, và hoa cỏ cũng xinh tươi rực rỡ hơn để điểm hương cho mỗi bước chân bà đi. Rồi nữ thần Po Inư Nagar dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương cùng lúa bắp… Nơi hậu cung của bà có đến 97 ông chồng, nhưng chỉ ông Po Yan Amo là có uy quyền hơn cả. Bà sinh được 38 người con gái, những người con đó sau đều thành thần. Khi vùng đất của người Chăm thuộc về Đại Việt, thì nữ thần Po Inư Nagar cũng trở thành vị nữ thần của người Việt với tên gọi là Thiên Y A Na hay Bà Chúa Ngọc… Đó là kết quả của sự giao lưu, trao đổi, bồi đắp và hòa hợp văn hóa của hai dân tộc.

Bệ đá trong động có hình chữ L, cao 70 cm, dài 80 cm, khuyết góc bên phải 3,5 cm x 40 cm. Bệ đá phía trên cùng trang trí hình chim thần, đây là con vật biểu trưng của thần Vishnu, tượng trưng cho sự bình an. Bên dưới là hình một vị thần đang ở tư thế một chân co, một chân duỗi, hai tay nâng một vật đưa về phía trước như dâng cúng cho ai đó. Phía trước là vị thần đầu sư tử, mình người đang dứng quay lưng lại. Nhìn chung, bệ đá được chạm trổ khá tinh sảo, là một trong những tác phẩm độc đáo của cư dân Champa còn lưu lại ở làng điêu khắc đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn.

III. MỘT VÀI NHẬN XÉT:

– Ngũ Hành Sơn nằm trên một vị trí khá thuận lợi, có địa hình bằng phẳng bên hữu ngạn sông Cổ Cò, trên núi có nhiều lâm sản và các động vật quý hiếm, dưới biển có nhiều thủy hải sản, đó là những nguồn hàng trao đổi có giá trị của người Chăm xưa với việc giao lưu với các vùng miền khác. Nói một cách khái quát như ý của cố GS. Trần Quốc Vượng thì “Ngũ Hành Sơn từng là một Làng/Bến/Thị tứ nhỏ nằm dưới chân những ngọn núi cẩm thạch, soi bóng xuống dòng sông Cổ Cò”.

– Qua những hiện vật khai quật dưới chân ngọn Hỏa Sơn, đã chứng tỏ nơi đây từng là điểm cư trú của cư dân Champa xưa. Họ đã biết dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có ở nơi đây, theo các con sông để đến các vùng miền khác trong địa phương, theo đường biển có thể thông thương buôn bán với bên ngoài. Chính vì vậy, họ đã để lại trên dãy Ngũ Hành Sơn những dấu ấn về đời sống tôn giáo tín ngưỡng khá phong phú, góp phần vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

– Những dấu tích của cư dân Champa xưa còn lưu lại ở trên động Tàng Chơn, động Huyền Không của ngọn Thủy Sơn là những tài liệu vô cùng quý giá đối với những người làm công tác nghiên cứu về lịch sử, tôn giáo, văn hóa, điêu khắc…

Nguồn Sưu Tầm

© 2016 Đá mỹ nghệ Đà Nẵng | Điêu Khắc Đá